Lịch sử Mitsubishi Electric
Lịch sử Tập đoàn Mitsubishi
Người sáng lập
Iwasaki Yataro
(1835-1885)
Một thanh niên trẻ tuổi đầy hoài bão tên Yataro Iwasaki thành lập Công ty Mitsubishi đầu tiên, một Công ty vận tải biển, vào năm 1870. Nhật Bản vừa trỗi dậy sau hàng thế kỷ bị cô lập dưới thời phong kiến và đang chạy đua để theo kịp phương Tây. Doanh nghiệp của Yataro phát triển nhanh chóng và đa dạng hóa sang nhiều lĩnh vực sản xuất và thương mại. Thế chiến II khiến Mitsubishi phải ngừng mô hình tổ chức kinh doanh tổng hợp. Nhưng các Công ty độc lập bắt nguồn từ Công ty Mitsubishi trước đây vẫn đang hoạt động ở hầu hết mọi lĩnh vực trong ngành.
Yataro Iwasaki xuất thân từ thành phố Kochi trên đảo Shikoku, nơi cư ngụ của Gia tộc Tosa quyền lực. Ông làm việc cho gia tộc này và chứng tỏ tài năng trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của họ tại Osaka. Năm 1870, ông thành lập Công ty vận tải biển của riêng mình mang tên Tsukumo Shokai, với ba con tàu hơi nước được thuê từ gia tộc này. Đây chính là bước khởi đầu của Tập đoàn Mitsubishi.
Ảnh: Kho lưu trữ của Mitsubishi.
Nguồn gốc biểu tượng nổi tiếng
Hình dáng cũ của biểu tượng ba viên kim cương trên thùng nước sắt
Tên Công ty mới được đổi thành Mitsukawa Shokai vào năm 1872 và Mitsubishi Shokai vào năm 1874. Yataro chọn biểu tượng Công ty bằng cách kết hợp gia huy gồm ba lá sồi của Gia tộc Tosa và gia huy gồm ba hình thoi chồng lên nhau của gia đình ông. Biểu tượng này là nguồn gốc của tên gọi Mitsubishi, nghĩa là "ba viên kim cương".
Yataro thể hiện lòng yêu nước công khai vào năm 1874 bằng việc cung cấp tàu để chở quân đội Nhật Bản sang Đài Loan. Chính phủ ghi nhận công lao này và thưởng cho ông 30 chiếc tàu. Yataro đổi tên Công ty thành Mitsubishi Mail Steamship vào năm 1875, khi Công ty thừa hưởng nhân viên và cơ sở vật chất từ một dịch vụ bưu chính bị chính phủ giải thể.
Phát triển nhanh chóng và giai đoạn khó khăn
Tàu guồng Tokyo-maru, một chiếc tàu hơi nước của Yataro
Mitsubishi Mail Steamship khai trương dịch vụ vận tải sang Trung Quốc và Nga và hầu như nắm độc quyền trên các tuyến đường ra nước ngoài. Nhưng tình hình chính trị trở nên bất lợi cho Mitsubishi vào đầu thập niên 1880 và chính phủ tài trợ cho việc thành lập một đối thủ cạnh tranh. Sức ép cạnh tranh sau đó khiến cả hai Công ty gần như phá sản.
Sự can thiệp của chính phủ tạm thời xoa dịu được tình hình. Nhưng cuộc cạnh tranh khốc liệt lại tiếp tục khi Yataro mất vào năm 1885 và anh trai của ông là Yanosuke kế nhiệm. Cuộc chiến kết thúc bằng việc sáp nhập do chính phủ phân xử vào năm 1885, hình thành Công ty Nippon Yusen, nay là NYK Line.
Mở rộng lĩnh vực kinh doanh
Khai thác than ở Nagasaki tại Mỏ Takashima
Trong khi tình hình cạnh tranh đang gia tăng trên biển, Mitsubishi tiến hành đa dạng hóa công việc kinh doanh trên đất liền. Công ty mua lại mỏ đồng Yoshioka ở Akita và mỏ than Takashima ở Nagasaki. Công ty thuê lại Xưởng đóng tàu Nagasaki từ chính phủ vào năm 1884 và ở đây Công ty đã thiết kế tàu hơi nước bằng thép đầu tiên được sản xuất tại Nhật Bản.
Mitsubishi tiếp tục phát triển và đa dạng hóa dưới sự lãnh đạo quyết đoán của Yanosuke Iwasaki. Ông mua thêm nhiều mỏ để cung cấp tài nguyên cho Mitsubishi và các ngành công nghiệp đang phát triển của Nhật Bản. Và ông lược bỏ "Steamship" ra khỏi tên Công ty. Ông cũng chi một khoản tiền bằng xấp xỉ 1 triệu USD cho 80 mẫu đất đầm lầy bên cạnh Cung điện hoàng gia vào năm 1890. Tuy lúc bấy giờ ông bị cười nhạo, nhưng khoản đầu tư của Yanosuke ngày nay trị giá đến hàng tỷ đô-la.
Quản lý hiện đại
Trụ sở Công ty Meiji Life và Tokio Marine vào khoảng năm 1895
Con trai của Yataro là Hisaya nhậm chức chủ tịch vào năm 1893. Tốt nghiệp Đại học Pennsylvania, Hisaya tái cơ cấu Mitsubishi để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh ngày càng đa dạng. Ông thành lập các bộ phận chuyên về mảng ngân hàng, bất động sản, tiếp thị và quản lý, cũng như lĩnh vực ban đầu là khai thác mỏ và đóng tàu.
Một số khoản đầu tư cá nhân của Hisaya là một phần của các Công ty Mitsubishi ngày nay. Ông mua lại Công ty Kobe Paper Mill, nay là Mitsubishi Paper Mills. Và ông hỗ trợ việc thành lập Nhà máy bia Kirin. Em họ của ông là Toshiya thành lập Công ty Asahi Glass, Công ty sản xuất kính tấm thành công đầu tiên của Nhật Bản.
Hệ thống quản lý của Mitsubishi được hiện đại hoá hơn nữa khi con trai của Yanosuke là Koyata kế nghiệp Hisaya làm chủ tịch vào năm 1916. Tốt nghiệp Đại học Cambridge, Koyata hợp nhất các bộ phận thành các Công ty bán tự chủ. Ông đưa Mitsubishi lên vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực như máy móc, thiết bị điện và hóa chất. Các Công ty sau này trở thành Mitsubishi Heavy Industries đã phát triển xe hơi, máy bay, xe tăng và xe buýt. Và Mitsubishi Electric đã trở thành Công ty dẫn đầu về máy móc thiết bị điện và thiết bị gia dụng.
Mở rộng hợp tác
Xe ba bánh cơ giới của Mitsubishi Heavy Industries
Gia đình Iwasaki giảm quyền kiểm soát Mitsubishi bằng việc chào bán cổ phiếu trong Công ty cổ phần cốt lõi. Đến cuối Thế chiến II, các nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ hơn một nửa vốn chủ sở hữu.
Koyata Iwasaki khuyến khích các nhà quản lý và nhân viên vượt qua tinh thần bài ngoại, vốn đã hình thành ở Nhật Bản trong những năm chiến tranh. Ông nhắc nhở các giám đốc điều hành của Mitsubishi ngay sau khi xảy ra xung đột: "Trong số những đối tác kinh doanh của chúng ta, có nhiều người Anh và người Mỹ. Họ là những người bạn đã thực hiện dự án cùng chúng ta và chia sẻ lợi ích với chúng ta. Nếu hòa bình trở lại, họ vẫn là những người bạn tốt và trung thành của chúng ta."
Phân tách
Khu đô thị trung tâm Marunouchi ở Tokyo, nơi tọa lạc hầu hết các Công ty Mitsubishi
Sau chiến tranh, lực lượng chiếm đóng của quân đồng minh yêu cầu giải thể các tập đoàn công nghiệp lớn của Nhật Bản. Trụ sở của Mitsubishi giải thể vào ngày 30 tháng 9 năm 1946 và nhiều Công ty Mitsubishi chia thành các doanh nghiệp nhỏ hơn. Nhánh kinh doanh chia thành 139 Công ty. Mitsubishi Heavy Industries tách thành ba Công ty trong khu vực. Hầu hết các Công ty Mitsubishi đều ngưng dùng tên và biểu tượng cũ do áp lực từ lực lượng chiếm đóng.
Khi cuộc chiến Triều Tiên sắp xảy ra, chính sách của quân chiếm đóng chuyển trọng tâm sang việc tái thiết công nghiệp và kinh tế. Một số Công ty Mitsubishi tự cải tổ và hầu hết đều bắt đầu dùng lại tên và biểu tượng cũ. Nhưng họ vẫn duy trì quyền tự chủ của mình. Các Công ty trở nên tự chủ và độc lập hơn so với khi được hợp nhất thành một tổ chức duy nhất. Đồng thời, họ vẫn cảm thấy như một phần của một cộng đồng có chung lịch sử và văn hóa doanh nghiệp.
Chữ & Ảnh: Ban công vụ của Mitsubishi.